Trường Trung học phổ thông Khâm Đức - Huyện Phước Sơn - Tỉnh Quảng Nam

http://thptkhamduc.edu.vn


Tuyên truyền phòng chống mua bán người năm học 2022 - 2023

Thực hiện kế hoạch số 33/KH-LĐTBXH ngày 04 tháng 04 năm 2023 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Nam về tổ chức tuyên truyền mua bán người tại một số trường trung học trên địa bàn tỉnh. Sáng ngày 17/04/2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Nam đã tổ chức buổi tuyên truyền tại trường THPT Khâm Đức nhằm mục đích trang bị cho học sinh kiến thức pháp luật, kỹ năng cần thiết trong việc phòng ngừa mua bán cũng như cảnh giác cao trước thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người hiện nay.
           
            Có thể hiểu đơn giản nạn mua bán người (hay buôn người) là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm thu lợi nhuận bất hợp pháp từ việc bóc lộc các nạn nhân dưới nhiều hình thức khác nhau như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy và buôn bán nội tạng…
             Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy lùi loại tội phạm này.
            Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2022, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.
               Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
               Đáng chú ý, gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.
Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…Lợi dụng chính sách mở của Việt Nam, các đối tượng tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
                Ngoài ra, một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại “quay đầu” trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.
           
           Qua buổi tuyên truyền, cùng với việc phổ biến kiến thức và giao lưu câu hỏi, các em học sinh đã nắm được kiến thức pháp luật, kỹ năng cần thiết trong việc phòng ngừa mua bán cũng như cảnh giác cao trước thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người hiện nay.
 

Tác giả bài viết: Đoàn trường THPT Khâm Đức

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây